Hội thảo Từ kết quả DDCI năm 2024: Khuyến nghị và giải pháp

Năng lực cạnh tranh không chỉ là thước đo của sự phát triển, mà còn là chỉ báo rõ ràng về hiệu quả quản lý nhà nước, mức độ hài lòng của doanh nghiệp, cũng như khả năng thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Chính vì vậy, DDCI – với tư cách là công cụ phản ánh trực tiếp cảm nhận, đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp – không chỉ giúp chúng ta nhìn lại, mà còn hướng tới, để điều chỉnh, hoàn thiện và đổi mới phương thức quản lý, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Khảo sát DDCI Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 được triển khai với quy mô lớn, minh bạch và khoa học, ghi nhận hơn 18 nghìn phản hồi từ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động trên địa bàn Thành phố (cao hơn năm 2023 là hơn 5 nghìn, tăng 39%), đạt tỷ lệ 30,5% (cao hơn năm 2023 là 3,5%). Kết quả khảo sát đã cho chúng ta một bức tranh rõ nét, toàn diện và khách quan về những điểm mạnh, điểm còn hạn chế trong công tác điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp ở từng sở, ban, ngành, quận, huyện và thành phố Thủ Đức.
Những điểm sáng trong công tác cải cách và nâng cao năng lực cạnh tranh như:

- Tính minh bạch thông tin và chuyển đổi số: Các địa phương và sở, ban ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc công khai thông tin, số hóa quy trình và cải thiện khả năng tiếp cận thông tin cho doanh nghiệp;

- Giảm chi phí không chính thức: Một số đơn vị đã triển khai các biện pháp hạn chế tình trạng chi phí không chính thức, qua đó nâng cao niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh;

- Cải thiện chất lượng dịch vụ hành chính: Nhiều sở, ban ngành và địa phương đã đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, kết quả DDCI 2024 cũng chỉ ra một số vấn đề cần tiếp tục được cải thiện:

- Mức độ đồng đều trong cải cách giữa các đơn vị: Một số địa phương và sở, ban, ngành có mức độ cải cách chưa đồng đều, tạo ra sự chênh lệch trong trải nghiệm của doanh nghiệp;

- Tính ổn định trong môi trường kinh doanh: Doanh nghiệp vẫn mong muốn có sự nhất quán trong chính sách và cách thức triển khai giữa các đơn vị để tránh tình trạng thay đổi liên tục, gây khó khăn trong việc thích ứng;

- Sự phối hợp giữa các sở, ban ngành và địa phương: Một số doanh nghiệp phản ánh về tình trạng thiếu liên kết giữa các cơ quan chức năng, dẫn đến chồng chéo trong quản lý và làm chậm tiến độ xử lý công việc.

Chính vì vậy, hội thảo hôm nay không chỉ là dịp để nhìn lại kết quả khảo sát DDCI năm 2024, mà còn là diễn đàn để chúng ta cùng trao đổi, thảo luận, phân tích nguyên nhân, nhận diện thách thức và từ đó, đề xuất các khuyến nghị, giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả điều hành, cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh một cách thiết thực và bền vững.

Nguồn: Phòng Thông tin.